Backdrop chỉ là một trong những ấn phẩm nhỏ trong sự kiện nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, chúng sẽ thường là phần nổi bật nhất, gây ấn tượng tốt nhất cũng như sẽ truyền tải đúng thông điệp cho người nhìn. Ngoài ra chúng còn giúp cho người nhìn nhận thức và nhận diện thương hiệu, chủ đề cho toàn bộ sự kiện. Vì thế việc thiết kế một chiếc backdrop thật chuyên nghiệp, thất bắt mắt và ấn tượng là việc vô cùng quan trọng, hãy cùng KEA Creative tìm hiểu các lưu ý khi thiết kế backdrop cũng như những thủ thuật để giúp cho chiếc backdrop trở nên hoàn hảo nhất nhé.
Có thể bạn quan tâm
Tóm tắt bài viết: 7 lưu ý khi thiết kế backdrop bạn cần phải biết
1. Kích thước backdrop
Sẽ không có kích thước chuẩn nào được đặt ra cho kích thước backdrop cả, vì tuỳ vào mỗi không gian sẽ có kích thước khác nhau. Vì thế khi thiết kế backdrop việc đầu tiên chúng ta nên xác định được kích thước chính xác của backdrop sẽ là bao nhiêu, điều này tùy thuộc vào vị trí đặt backdrop và những phụ kiện kèm theo như khung sắt, vị trí đánh đèn và trang trí.
Bạn phải khảo sát thật kỹ kích thước và tỉ lệ thiết kế vì nếu thiết kế của bạn bị một vấn đề nhỏ như vật phẩm trang trí trên sân khấu bị che mất nội dung thì backdrop cũng làm người nhìn cảm thấy khó chịu và mất thiện cảm với thương hiệu của bạn.
Ngoài ra có 1 loại kích thước backdrop hiện nay sử dụng rất phổ biến đó là màn hình chiếu hoặc màn hình led, loại backdrop được thiết kế để trình chiếu sẽ được đo bằng độ phân giải hoặc tỉ lệ của màn hình.
2. Loại backdrop và dạng backdrop
a. Thông thường sẽ có các loại backdrop cơ bản sau đây.
- Backdrop sự kiện: Year End Party, khai trương, lễ, tết, Dinner Party, 8/3, 20/10, Giáng Sinh….
- Backdrop nhận diện thương hiệu: Backdrop này thường sẽ có từ 2 – 3 logo được xếp xen kẽ với nhau.
- Backdrop lễ tân: Backdrop sau quầy lễ tân, thông thường chỉ có logo và Slogan
- Backdrop cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng…
- Backdrop gian hàng
- Backdrop hội thảo
b. Dạng backdrop sẽ có 3 dạng backdrop cơ bản:
- Backdrop được in theo các chất liệu phẳng như hiflex, PP, Decal
- Backdrop được trình chiếu màn hình led.
- Backdrop 3D có thể kết hợp cả led và chất liệu phẳng.
3. Nội dung và chủ đề
Khi đã khảo sát tìm đúng kích thước và có được loại backdrop, dạng backdrop cần thiết kế thì việc tiếp theo là bạn sẽ phải lọc ra nội dung trên backdrop, Thông thường nội dung chỉ là 1 câu slogan, 1 câu chủ đề của sự kiện, hoặc chỉ đơn giản chỉ là hình ảnh minh hoạ kèm theo logo là đủ. Nội dung càng ngắn gọn, càng dễ hiểu càng tốt và đặc biệt phải truyền tải đúng thông điệp của sự kiện đến người nhìn.
4. Style thiết kế
Ý tưởng thiết kế chung: Khi chúng ta có được nội dung và chủ đề thì việc lên ý tưởng sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, ví dụ như bạn chọn loại backdrop là Year End Party, Nội dung “Together We Win”. Thì tới đây việc lên ý tưởng chung sẽ là thể hiện sự đoàn kết, màu sắc tươi sáng, lung linh và các element trang trí cũng sẽ thể hiện sự đoàn kết và chiến thắng. Ngoài ra các yếu tố như bố cục, màu sắc, cũng sẽ phải được chia một tỷ lệ hợp lý để tạo cho backdrop một sự hài hoà, bắt mắt và rõ ràng.
Càng tối giản càng tốt: Đây có lẽ một vấn đề cơ bản nhưng rất nhiều người gặp phải, nhiều người thường cố nhồi nhét nội dung lên backdrop một cách vô tội vạ nhằm mục đích để nhiều thông tin thì người nhìn càng biết nhiều về bạn. Nhưng không đâu, làm như vậy bạn sẽ vô tình tạo cho khách hàng cảm giác lười đọc, hãy tự hỏi bản thân bạn có bao giờ nhìn một cái poster hay bandroll ngoài đường nhiều chữ mà bạn đã đọc hết chưa, có lẽ là bạn đọc đúng dòng to nhất là xong rồi. Vì thế backdrop càng ít chữ càng tốt. Mục đích chính của backdrop là truyền tải thông điệp một cách trực quan, sinh động, không phải liệt kê từng phần trong chương trình của bạn. Lưu ý khi thiết kế backdrop chuẩn chỉnh sẽ chỉ bao gồm tên chương trình, 1-2 dòng mô tả ngắn gọn đi kèm logo của các bên liên quan, vậy là quá đủ rồi bạn nhé.
Tạo điểm nhấn cho backdrop: Khi mọi thứ được tối giản thì điểm nhấn của toàn bộ backdrop sẽ được thể hiện một cách rõ ràng nhất, kết hợp với các yếu tố thị giác như màu sắc, bố cục, hình ảnh minh hoạ sẽ làm nổi bật hơn điểm nhấn. Ngoài những yếu tố thiết kế để tạo điểm nhấn thì vị trí đặt backdrop và vị trí đánh đèn sẽ góp phần làm cho backdrop của bạn thêm sinh động và bắt mắt.
5. Không gian chứa backdrop
Như đã đề cập từ trước thì không gian chứa backdrop sẽ quyết định kích thước của backdrop, tuy nhiên bạn nên chú ý là trong không gian chứa backdrop bạn nên setup thế nào để có thể thể hiện backdrop một cách rõ ràng, thống nhất và các vật trang trí xung quanh backdrop nếu có cũng sẽ phải canh hướng để người nhìn không bị khuất các nội dung backdrop. Ngoài ra việc đánh đèn cũng sẽ phải thật hợp lý vì nếu đánh đèn quá chói, quá sáng cũng sẽ làm cho màu sắc backdrop bị lồi lõi cũng như quá chói sẽ làm khó chịu được người nhìn và bị mất nội dung.
6. Chất liệu thành phẩm backdrop
Công đoạn thành phẩm cho backdrop là một trong những yếu tố quyết định backdrop có đạt được yêu cầu đề ra hay không. Có 3 loại thành phẩm backdrop chính:
a. Xuất file in trực tiếp lên các chất liệu như hiflex (phông bạt dày – mỏng), Chất liệu PP (Polypropylen), Decal, in lụa, mica, Formex cứng…
b. Xuất file hình ảnh chất lượng cao và trình chiếu lên màn hình led, hoặc màn hình chiếu.
c. Thành phẩm này sẽ là phức tạp nhất vì thành phẩm này sẽ là tạo hình 3D cho tất cả các element có trong backdrop, có thể kết hợp cả in phong bạt hiflex, kết hợp với trình chiếu. Đây là hình thức backdrop quy mô nhất và dành cho các sự kiện cực lớn và đòi hỏi tính sáng tạo cực cao vì phải design không riêng backdrop mà còn cả sân khấu, quang cảnh và rất nhiều chi tiết khác. Ví dụ như lễ trao giải Oscar, các lễ ra mắt sản phẩm các tập đoàn lớn…
Ngoài ra còn có một loại backdrop trang trí, thường sẽ được sử dụng cho các dịp như sinh nhật, thôi nôi, đám cưới, hỏi… các sự kiện đòi hỏi vật phẩm decor nhiều, thông thường sẽ có hoa tươi, khung ảnh, vải, nến, trái châu…. thay vì backdrop nội dung và hình ảnh được thiết kế trên file thì loại backdrop này thành phẩm sẽ tùy thuộc vào tất cả các vật decor và mắt thẩm mỹ của người thiết kế, tất cả các vật trang trí khi được sắp xếp một cách có thẩm mỹ sẽ tạo ra một không gian vô cùng đẹp và sang trong.
7. Truyền tải đúng thông điệp
Đây là lưu ý khi thiết kế backdrop cuối cùng nhưng cũng là phần quan trọng nhất, bạn có bao giờ đi đến một sự kiện nào đó và nhìn toàn bộ thiết kế được đồng bộ với nhau từ backdrop, standee, flyer, bandroll… qua Key Visual đều rất đẹp và lung linh, nhưng bạn lại không hiểu đây là sự kiện gì chưa? Đó sẽ là một thiếu sót rất lớn của thiết kế vì không truyền tài được thông điệp đến người nhìn trong lần nhìn đầu tiên.
Vì thế ngoài những thủ thuật mang ấn tượng về thị giác cho người xem thì mục đích tối thượng của tất cả thiết kế mang tính quảng cáo là truyền tải thông điệp đúng đến người nhìn.
Tổng kết bài viết: 7 lưu ý khi thiết kế backdrop bạn cần phải biết
Trên đây là các lưu ý khi bạn cần thiết kế backdrop rất cơ bản, không chỉ thiết kế backdrop chỉ là thiết kế lên một phông bạt sân khấu mà còn có dạng màn hình chiếu, sân khấu 3D cho các sự kiện khủng, hi vọng qua bài viết bạn sẽ có thêm được kiến thức mới để có thể đưa ra những ý tưởng cũng như những thiết kế tuyệt vời nhất cho sự kiện sắp tới.